trang chủ | Giới thiệu | album | Liên hệ
nguyen the nhan

Nguyễn Thế Nhân

Địa chỉ thường trú : Quận Gò Vấp – HCMC – Vietnam
Nghề nghiệp : Họa sĩ
Cellphone : 0903909623
Nghệ sỹ tranh cát động Việt Nam

Ablum ảnh

Lạ lùng tranh cát Thế Nhân

09-01-2013 18:14:20 | Xem 2.470

Nhân sự kiện " Chào Mừng Năm mới - 2013" diễn ra tại Quảng trường Nhà Hát Lớn Hà Nội. Sau khi Thế Nhân trình diễn xong tiết mục Tranh cát động "Hồng Hà Tự Khúc" hoạ sĩ đã được một số báo thường trú trên địa bàn phỏng vấn.

Báo Nhân dân với ấn phẩm Ngày Nay đã có bài viết về nghệ thuật Tranh cát động với hoạ sĩ Thế Nhân
Trang bìa của ấn phẩm 
 

Bài viết của tác giả
 
 
Lạ lùng tranh cát Thế Nhân
HOÀNG HOA
Không phải tranh cát tĩnh với tác phẩm có thể đóng khung giữ gìn, trưng bày, nghệ thuật tranh cát động mà Thế Nhân theo đuổi là kiểu trình diễn tại chỗ để rồi … xóa đi nhưng những ấn tượng sẽ tác động trực tiếp tới người xem, đòi hỏi ở nghệ sĩ sự ngẫu hứng, trí tưởng tượng phong phú và thao tác linh hoạt.
 
Vài năm trước, có người bạn gửi một đường link, và giục giã: Cậu nên xem! Anh tò mò lắm! Hóa ra là một đoạn video clip với màn trình diễn tranh cát động của nữ nghệ sĩ Kseniya Simova trong cuộc thi tìm kiếm tài năng Ukraine’s Got Talent 2009. “Nội dung của tiết mục nói về một phần cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân đất nước Nga Xô – Viết. Đoạn video clip thật sự đã thuyết phục tôi”, họa sĩ Thế Nhân nhớ lại.

Đã trải nghiệm với tranh sơn dầu, điêu khắc, body painting, air brush art … và cả với tattoo, thể loại nào Thế Nhân cũng đã ghi được một ít “cái tôi”. Nhưng đến tranh cát động, họa sĩ đã bị ám ảnh. Nó cuốn hút anh ở sự đơn giản của hình họa, lối thể hiện ước lệ nhưng tính biểu cảm cao, thủ pháp bất ngờ ngẫu hứng. Anh nói: “Nó như một trò chơi con trẻ, hình ảnh được thể hiện có vẻ tùy tiện không tuân theo một luật lệ quy tắc nào, nhưng thật ra những chi tiết bố cục hỗn mang có vẻ phi truyền thống đó đã được người vẽ “bài binh bố trận” để dẫn dắt người xem đến những bất ngờ có chủ đích. Cái khác biệt của nghệ thuật tranh cát động chính là ở vật liệu, phương thức thể hiện, tốc độ mỗi frame hình được tạo ra chỉ trong mấy giây bằng vài động tác: Di, gạt, rắc, gảy, chấm của mười đầu ngón tay trên nền cát.

Một hộp đèn, vài ký cát được sàng lọc, xử lý sơ sơ cộng chút đam mê là có “tác phẩm” như một khuôn hình cho người làm lẫn người xem ngắm chơi chơi. Nhưng để vươn tới một màn trình diễn nghệ thuật với đòi hỏi phải lưu lại ấn tượng nhất định, lại là thử thách. Nghệ sĩ phải tạo ra một loạt các hình ảnh được thể hiện liên tục và xuyên suốt có tính chuyển động. Và phải có kịch bản cho “câu chuyện” ấy một cách logic với thứ tự và sự gắn kết về ý nghĩa của các hình ảnh. Gây cảm giác “đứt mạch”, có thể coi như một thất bại! Thế Nhân nhấn mạnh, nghệ thuật này kết hợp giữa nhạc và họa, không có nhạc thì tranh cát động không còn hấp dẫn nữa, cho nên chọn bản nhạc và xử lý bản nhạc cho phù hợp với nội dung tiết mục cũng không kém quan trọng. Cho nên, tay nghề hình họa, khả năng sáng tạo, kỹ thuật linh hoạt, cộng với khiếu cảm thụ âm nhạc tốt để có thao tác hài hòa, ăn ý, tai nghe nhạc và tay “múa” trên mặt cát, khi khoan thai, lúc sôi nổi, bùng phát. Những tố chất này mới gom lại thành nghệ sĩ tranh cát động tài hoa.

Và cũng thú vị khi nhìn qua vóc dáng họa sĩ Thế Nhân, có thể không ít người thấy … “so le”, vì trông anh thật … “tròn trịa”, lại râu ria rất đỗi hảo hán chứ không được mềm dẻo cho lắm! Nhưng mọi e ngại sẽ tan đi khi người ta nhìn anh “múa” cùng cát để lần lượt và nhanh chóng dưới đôi bàn tay, hiển hiện những hình thù sinh động. Đêm 31-12-2012 vừa qua, tại quảng trường trước Nhà hát Lớn Hà Nội, Thế Nhân trình diễn vẽ minh họa cho bài hát “Hồng Hà tự tình khúc” trong chương trình lễ hội Chào mừng năm mới. Lịch diễn của anh trong tháng 01 và 02-2013 đã gần kín. Sau đó, anh cho biết, sẽ tiếp tục luyện tập các kỹ năng và phổ biến kinh nghiệm cho một số thành viên CLB tranh cát động, những người đam mê môn nghệ thuật độc đáo này.

 
Họa sĩ Thế Nhân:
Vì tính mới lạ, nên nghệ thuật tranh cát động đang có vẻ “hot”, đặc biệt là trong các sự kiện có tính cộng đồng. Nghệ sĩ liên tục phải di chuyển từ nam ra bắc, trong khi đạo cụ khá cồng kềnh và dễ hư hỏng vì vậy tôi để luôn hai bộ ở TP. Hồ Chí Minh, một bộ ở Nha Trang và một bộ ở Hà Nội. Khi có chương trình, chỉ cần báo để người ta đưa bộ đạo cụ tới điểm trình diễn trước thời gian mở màn là có thể "vào cuộc".
HOÀNG  HOA