trang chủ | Giới thiệu | album | Liên hệ
nguyen the nhan

Nguyễn Thế Nhân

Địa chỉ thường trú : Quận Gò Vấp – HCMC – Vietnam
Nghề nghiệp : Họa sĩ
Cellphone : 0903909623
Nghệ sỹ tranh cát động Việt Nam

Ablum ảnh

Nguyễn Thế Nhân - Người thổi hồn cho cát

07-01-2013 11:22:35 | Xem 3.099

Họa sỹ Thế Nhân người được xưng tụng là "phù thủy cát", một "cát thủ" chuyên nghiệp đã hé lộ cho mọi người biết về con đường đến với loại hình nghệ thuật mới mẻ và độc đáo tranh cát động

Bài viết được phóng viên Hồng Hạnh đăng trên báo Kinh tế & Đô thị
http://ktdt.com.vn/news/detail/352757/nguoi-thoi-hon-cho-cat.aspx
Được đào tạo ở Nga nhiều năm, họa sĩ Thế Nhân đã từng thử sức với nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau như body art, điêu khắc, ký họa và vẽ sơn dầu… Nhưng anh lại bị cuốn theo sự độc đáo, khác biệt giữa tranh cát động với các loại hình kia. Cái sự khác biệt mà anh nói là "không dùng cọ mà dùng 10 ngón tay để tạo nên những đường nét có hồn".
 
Khi anh vẽ, hình ảnh luôn chuyển động, biến hóa như có phép thuật, nên "cát thủ" này được những người mến mộ đặt cho biệt danh "phù thủy cát". Điều đặc biệt, Thế Nhân không thích sáng tạo trong một không gian yên tĩnh, lãng mạn như các họa sĩ vẽ sơn dầu, mà âm nhạc, sự hò reo của người xem mới chính là nguồn cảm hứng để anh thăng hoa với… cát.
 

 
Mái tóc dài vuốt ngược ra sau, bộ râu nghệ sĩ, sự hứng khởi biểu lộ rõ trên khuôn mặt khi anh trình diễn, chuyển động hai cánh tay vừa dẻo như múa, vừa chính xác tuyệt đối. Anh bộc bạch: "Làm nghệ thuật, tôi luôn tôn thờ tính ngẫu hứng. Khi biểu diễn tranh cát, tôi thường bị âm nhạc "hớp hồn". Với nhạc nhẹ, tôi vẽ tranh mềm mại, chậm rãi, nhưng đến đoạn cao trào, những ngón tay trở nên dồn dập, hối thúc, gảy cho cát lăn cùng điệu nhạc". Nguyên tắc vẽ tranh cát động là "hạ thủ bất hoàn” nên người nghệ sĩ phải có kỹ năng tư duy hình họa, xây dựng kịch bản và kỳ công tập luyện trước khi biểu diễn. Thế Nhân làm được những điều đó.
 Năm 2009, tình cờ Thế Nhân được xem video vẽ tranh cát động của nữ nghệ sĩ Kseniya Simonova, kể về cuộc đấu tranh vệ quốc của Nga trong thế chiến thứ 2. Chỉ với những hạt cát vô hồn, cô đã làm lay động trái tim hàng triệu khán giả, trong đó có anh. Khi bắt đầu bị loại hình nghệ thuật này mê hoặc, Thế Nhân quyết tâm học bằng mọi giá.
 
Buổi đầu theo đuổi đam mê, Thế Nhân phải tự tạo ra "cây đũa thần" cho mình, bằng cách xem video và tự mày mò học. Sau bao ngày dày công nghiên cứu và thử nghiệm, "phù thủy cát" đã biến ra những chiếc hộp đèn với đủ các kích cỡ. Tiếp đó, anh lại tìm loại cát phù hợp, "cát thủ" chia sẻ: "Tôi đã thử nghiệm rất nhiều loại cát, từ cát dùng trong xây dựng, cát biển đến thứ cát để các nghệ nhân vẽ tranh cát tĩnh… đều không được.
 Chuyển qua dùng cát trong công nghệ thổi cát làm sạch bề mặt của nhà máy đóng tàu cũng không xong. Vì hạt cát quá to so với yêu cầu, nên tôi thử cho vào cối giã, cho vào túi vải đập nhưng đều thất bại. Một lần về quê ở Hải Hậu (Nam Định), ra bãi sông Hồng chơi, tôi ngạc nhiên thấy loại cát ở đây không quá to, không quá nhỏ và rất đều hạt. Tôi đem về nhà bỏ vào chậu nước lọc thật sạch, phơi khô, sàng kỹ, sau đó cho lên chảo rang để khử trùng, khử mùi. Khi "phiêu" lên mặt kính nó không nảy lên, khi đi nét nó giữ nguyên định dạng, khi tải nền muốn mỏng nó cho một lớp mờ như sương... Cát quê tôi là nhất".
 Phép màu trong tranh cát động của Thế Nhân là "diễn hình biểu ý". Trong một màn diễn từ 5 đến 7 phút, người nghệ sĩ phải vẽ rất nhiều hình ảnh khác nhau. Có những khuôn hình chỉ được thực hiện trong vài giây, nhưng chứa đựng những điều thâm thúy.
 
Ví dụ khi biểu diễn minh họa cho bài hát "Hồng Hà tự khúc" vừa rồi, "cát thủ" vẽ một dòng sông ngoằn ngoèo. Rồi từ dòng sông ấy, vẽ thêm những chi tiết khác để "biến hình" thành một con rồng đang bay lên, biểu trưng cho niềm tự hào về nền văn minh sông Hồng, trong đó có Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến…Dù chỉ tồn tại trong khoảnh khắc nhưng những bức tranh cát động luôn để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả.
 Hiện nay, tranh cát động đã trở thành một món ăn sang trọng tại các bữa tiệc nghệ thuật, nhưng chưa có nhiều người thành danh với nghề. Ở Việt Nam, ngoài 2 "cát thủ" là Thế Nhân và Trí Đức, tranh cát động mới ghi thêm được cái tên Phan Vũ trong danh sách những người trụ được với nghề.
Hồng Hạnh